Núi Bà Đen chỉ với độ cao 986m thấp hơn nhiều so với Fansipan hay các đỉnh núi ở phía Bắc như Pusilung, Putaleng, Bạch Mộc Lương Tử (đều trên 3.000m).
Nhưng núi Bà Đen vẫn được mệnh danh là “Nóc nhà của Đông Nam Bộ” bởi vào ngày đẹp trời, người dân Thành phố Hồ Chí Minh có thể nhìn thấy núi từ khoảng cách 100km.
Trong sách “Gia Định thành thông chí”, một sử liệu quan trọng về Nam Bộ thời nhà Nguyễn của Trịnh Hoài Đức viết vào đầu thế kỷ 19, núi Bà Đen được mô tả rằng: “Giữa đất đồng bằng nổi lên ngọn núi Bà Đinh (Bà Đen), ngày đẹp trời, từ Sài Gòn có thể thấy ngọn núi này mờ mờ hiện ra trong mây mù…”.
Có lẽ, chính vì thế, núi Bà Đen được coi là linh sơn trấn trạch cho thành Gia Định, nằm ở phương vị cung Đoài (phía Tây), tạo vị thế tựa núi hướng biển cho tòa thành đầu não của mảnh đất phương Nam. Do đó, núi Bà Đen có giá trị tâm linh, phong thủy linh thiêng với cả vùng đất mới này.
Vai trò đó, giống như núi Tản Viên với kinh thành Thăng Long – giờ là Thủ đô Hà Nội – và núi Ngự Bình ở kinh thành Huế. Nhìn tổng thể, núi Bà Đen được coi là một trong những huyệt đạo thiêng nhất Việt Nam, cùng núi Nưa (Thanh Hóa), núi Đá Chông (thuộc cụm núi Tản Viên – Ba Vì, Hà Nội) và Fansipan (Lào Cai).
Đứng ở bất cứ chỗ nào của Tây Ninh, chúng ta đều có thể nhìn thấy núi Bà Đen hình nón, với phần đỉnh luôn được bao phủ bởi những dải mây trắng muốt hoặc thỉnh thoảng là một mũ mây hình thấu kính hoặc hình đĩa bay rất hiếm dị. Màn mây đó như biểu tượng cho một cõi linh thiêng tột bực.
Sự nổi bật của núi Bà Đen trên một địa hình bằng phẳng và thấp, hoàn toàn không có ngọn núi nào khác ở bốn phương tám hướng lọt vào tầm mắt đã đem đến danh xưng “Nóc nhà Đông Nam Bộ”, cũng như một hiện tượng thời tiết phân biệt kỳ lạ của vùng đất này.
Tây Ninh vào những ngày cuối mùa khô có cái nóng khô kinh dị vào ban ngày, luôn thường trực ở ngưỡng 38 – 39 độ, thế nhưng luôn khiến người ta cảm thấy như trên 40 độ. Chẳng thế mà, dân Tây Ninh vẫn tự trào rằng, “nơi đây là nơi phơi quần áo nhanh khô nhất Việt Nam”.
Cái nóng khô người đó xuất phát từ địa hình thấp so với các vùng địa lý xung quanh, khiến cho độ ẩm trong gió không thể bay tới đây, giống như hiện tượng gió Phơn (gió Lào) nóng như rang ở vùng Bắc Trung Bộ bởi đã bị dãy Trường Sơn chặn hết hơi ẩm.
Song ở dưới càng khô nóng, thì càng leo cao lên núi Bà Đen (chỉ cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 10km), chúng ta càng cảm thấy bước vào miền đất tiên cảnh mát mẻ, ẩn hiện trong mây. Nhiệt độ giữa đỉnh núi và vùng chân núi nhiều khi chênh lệch tới 10 độ.
Do đó, vào mùa Xuân (đỉnh điểm mùa khô ở Nam Bộ), người dân ở Tây Ninh và các tỉnh lân cận thường đổ về nơi khô nóng nhất vùng Đông Nam Bộ để dự lễ hội Xuân Núi Bà (tháng Giêng) và hội Vía Bà (tháng Năm Âm lịch), và… kết hợp nghỉ mát tránh nóng.
Trong năm 2025, Tây Ninh càng đông đúc hơn các năm khác bởi những ngày lễ lớn như: Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hay Đại lễ Phật đản quốc tế Vesak 2025. Đó đều là những dịp tốt để chúng ta có dịp lãng du trên ngọn núi thiêng Vân Sơn (tên gọi khác của núi Bà Đen).
Chẳng thể có mặt trên đỉnh núi Bà Đen từ đêm trước để mở cuộc săn mây vào lúc bình minh vì lượng người lên núi quá đông, tôi đành chọn cách leo núi từ sớm. Ở Tây Ninh, 4h30 sáng đã hửng vàng, cho dù nhiệt độ vẫn mát mẻ nhưng sự dễ chịu đó sẽ biến mất chỉ sau vài tiếng nữa.
Và “khi bình mình vừa hồng chân mây”, tôi cùng anh bạn đồng hương vào đây lập nghiệp từ lâu, đã có mặt ở chân núi để “thượng sơn”. Núi Bà Đen thực chất là một cụm gồm 3 quả núi là núi Bà, núi Heo, núi Phượng nên có tới 7 đường để lên đỉnh, trong đó đường dễ nhất có cước trình khoảng 4,5km, leo khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Chúng tôi chọn lộ trình phổ thông này thay vì những cung hiểm hóc kéo dài tới 3 ngày dành cho dân leo núi chuyên nghiệp. Dù sao, sử dụng đôi chân để leo cũng là tốt rồi, thay vì ngồi cáp treo, leo phà, chưa kịp vỡ òa đã lên tới đỉnh. Nhưng hóa ra, đó chính là một lộ trình tâm linh.
Nói chung, độ cao và độ dốc của núi Bà Đen ở cung đường phổ thông (hay còn gọi là cung đường chùa) khá mềm mại so với những cuộc chinh phục đỉnh cao ở ngoài Bắc. Đường lên thoai thoải, bậc cầu thang rộng, có lan can và biển chỉ đường, đủ tạo tiện nghi cho một chuyến thượng sơn vãn cảnh.
Dọc lộ trình, có rất nhiều “chiếu nghỉ” là các điểm tâm linh. Tính tổng cộng, chúng tôi đã đi qua điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, đền Hoà Thượng, chùa Hương Tích, đền Cao Đài, và chùa Bà Đen. Do nhiều “chiếu nghỉ” như thế, nên khi bước lên trên đỉnh núi, nhìn đồng hồ thấy mới gần 7 giờ sáng, hơi thở vẫn còn chưa gấp gáp.
Thật may mắn bởi mây vào buổi sáng hôm đó vẫn giăng thành đại dương trước mặt kẻ săn mây. Đứng trên đỉnh núi như thể đứng giữa một tòa thành kết bằng mây mát lạnh, tinh khôi. Ánh nắng triêu dương tỏa một lớp màu hồng huyền ảo lên tòa thành đó khiến hồn người như mộng, như say, bước chân bỗng bồng bềnh như bay.
Rồi có lúc chiếc chăn bông vĩ đại bỗng nhiên bị gió hất tung, hiện rõ cảnh cả thành phố Tây Ninh, cả vùng đồng bằng rộng lớn với những cánh rừng khộp và vườn cây trái sum suê. Lấp lánh như một tấm gương trong ánh nắng là hồ nhân tạo Dầu Tiếng tuyệt mỹ ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Thế rồi, biển mây lại ập tới như đóng cửa huyền môn của vùng linh sơn chứa đựng nhiều huyền thoại như: Chùa Phật, chùa Hang, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Vân Sơn, động Thanh Long, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Kim Quang, thung lũng Ma Thiên Lãnh, hang Ông Hổ, suối Vàng…
Ngước mắt lên, chợt thấy trần mây tản ra, để lộ một khoảng trời xanh như ngọc lam, phát ra muôn ánh hào quang quanh khuôn mặt của pho tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn đen nhánh đang hiền từ nhìn xuống chúng sinh đang nhất tâm nguyện cầu cho quốc thái dân an, cho hòa bình miên viễn.
Lòng người bỗng ngân lên một tiếng chuông và hoan hỉ nở một nụ cười an nhiên!
Theo báo Lao Động