Thác Dương Cầm hoang sơ nằm giữa rừng Động Châu – khe Nước Trong, trở thành điểm hút khách trekking mạo hiểm và tránh nóng mùa hè.
Thác Dương Cầm nằm ở độ cao 700 m, thuộc xã Kim Ngân, phía tây nam tỉnh Quảng Bình cũ (nay là Quảng Trị), giáp biên giới Việt – Lào. Khu bảo tồn này rộng khoảng 500.000 ha, với rừng nhiệt đới được bảo vệ nghiêm ngặt và được ví như “viên ngọc quý” giữa đại ngàn Trường Sơn.
Một góc thác Dương Cầm được nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Cung, 34 tuổi, chụp trong chuyến đi săn ảnh thiên nhiên đầu tháng 7.

Anh Cung cho biết từ phường Đồng Hới (TP Đồng Hới cũ), anh mất khoảng một giờ đi ôtô theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây để đến điểm xuất phát. Từ đây, hành trình trekking kéo dài hơn 3 km, mất hơn hai tiếng leo bộ để đến được đỉnh thác. Cung đường này vẫn còn hoang sơ, không có điện lưới hay sóng điện thoại.

Một đoạn suối cạn len lỏi qua rừng nguyên sinh, dẫn lối vào hành trình chinh phục thác.

Theo nhiếp ảnh gia, thác Dương Cầm có ba tầng, mỗi tầng mang một vẻ đẹp riêng biệt, đưa người khám phá đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Ngay ở tầng đầu tiên là hồ nước trong vắt, bao quanh là cây rừng đan kín, ánh mặt trời khó lọt qua tán lá. Không khí mát lạnh, tạo cảm giác dễ chịu giữa những ngày nắng gắt.
“Rừng nguyên sinh trùng điệp hai bên đường Trường Sơn uốn lượn, điểm xuyết bởi các khe suối đẹp như tranh vẽ”, anh Cung nói.

Tháng 12/2021, tỉnh Quảng Bình (cũ) đã cho phép khai thác thử nghiệm tour du lịch trải nghiệm thiên nhiên tại khu vực này, phối hợp giữa doanh nghiệp lữ hành và Ban Quản lý Khu dự trữ. Trước khi bắt đầu hành trình, đơn vị tổ chức phát đồ bảo hộ, hướng dẫn khởi động và cử porter (người khuân vác) đi cùng để hỗ trợ. Anh Cung lưu ý địa hình tại thác khá trơn trượt do rêu phủ, du khách cần tập trung quan sát và bám sát hướng dẫn viên để tránh tai nạn.
Trong ảnh là nhóm trekking dừng lại chụp ảnh check in ở tầng thác đầu tiên.

Trong hành trình chinh phục thác Dương Cầm, đoạn vượt tầng thác thứ hai được nam du khách đánh giá là thử thách nhất. Dù có đầy đủ thiết bị bảo hộ và người hỗ trợ kéo dây, người leo vẫn dễ trượt do mặt đá phủ đầy rêu.
Nhiếp ảnh gia cho biết độ dốc và hiểm trở của con thác không thể ghi lại qua ống kính.

Khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu – khe Nước Trong sở hữu hệ sinh thái phong phú với hơn 1.030 loài thực vật và gần 400 loài động vật, trong đó có 44 loài ghi danh trong Sách đỏ.
Tại vùng lõi, trên tầng thứ hai của thác Dương Cầm, nhiều cây gỗ lớn đổ ngang suối, phủ đầy địa y và dương xỉ. Đây là nơi nhiều du khách dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn sau khi vừa vượt qua đoạn leo thác vất vả.

Sau hơn hai tiếng vượt thác, khi đặt chân đến đỉnh Dương Cầm, cả đoàn ai cũng đều thấm mệt. Mỗi người trong đoàn chọn cho mình một góc yên tĩnh để nghỉ ngơi, tận hưởng khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, tách biệt khỏi thế giới bên ngoài.
Nhiếp ảnh gia cho biết đứng trên đỉnh thác, phóng tầm mắt ra xa là những cánh rừng nối tiếp nhau đến tận chân trời. Thi thoảng, dưới chân thác lại hiện lên cầu vồng khi ánh nắng xuyên qua làn nước tung bọt trắng xóa.
Tour trekking thác Dương Cầm thường kéo dài trong một ngày hoặc hai ngày một đêm. Nếu chọn ở lại qua đêm, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người dân bản Rum Ho – cộng đồng người Bru -Vân Kiều sinh sống giữa núi rừng. Sau hành trình băng rừng vượt thác, du khách sẽ được thư giãn trong những ngôi nhà sàn mộc mạc, thưởng thức món ăn địa phương và quây quần bên bếp lửa giữa đêm se lạnh.
Theo VNE