Bình Định đang mở ra hướng đi mới để phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo tồn bản sắc, nâng cao sinh kế người dân.
Ngày 14.4, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã có kế hoạch thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là bước đi chiến lược, nhằm hình thành những mô hình du lịch đặc trưng mang hơi thở làng quê, đồng thời tạo lực đẩy mới cho kinh tế nông thôn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo định hướng của tỉnh, phát triển du lịch cộng đồng sẽ không chỉ dừng lại ở việc thu hút khách đến làng quê, mà là quá trình làm mới những giá trị cũ theo cách bền vững và nhân văn hơn. Du khách đến Bình Định không đơn thuần để ngắm cảnh, chụp ảnh, mà sẽ sống trong không gian làng chài, đồng rau, bản làng dân tộc…
Các mô hình được xây dựng phải đảm bảo gìn giữ và phát huy được giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan, không gian sinh thái đặc trưng của từng địa phương. Đồng thời tạo động lực cho người dân tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch – từ làm homestay, tổ chức trải nghiệm, giới thiệu sản phẩm đặc trưng đến cung ứng dịch vụ.

Ngay trong năm 2025, Bình Định đặt mục tiêu xây dựng và hoàn thiện các mô hình điểm tại bốn địa phương, mỗi nơi mang một màu sắc riêng biệt.
Tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) – nơi có làng chài nằm nép mình bên bãi biển Kỳ Co – du lịch cộng đồng sẽ gắn với không gian biển, ẩm thực truyền thống và lối sống đặc trưng của cư dân ven biển. Mục tiêu là thu hút trên 900.000 lượt khách, tăng 18,5% so với năm trước, nâng thu nhập người dân lên gấp 2-3 lần và tạo việc làm cho hơn 2.700 lao động địa phương.
Tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), mô hình sẽ phát triển theo hướng du lịch sinh thái biển, kết hợp lặn ngắm san hô, thể thao mặt nước và trải nghiệm ẩm thực hải sản bản địa. Tỉnh đã lên phương án đầu tư hệ thống cầu tàu, bãi đỗ xe, điểm trung chuyển khách và các khu dịch vụ vui chơi trên mặt nước, nhằm đón hơn 122.000 lượt khách, đạt doanh thu hơn 60 tỉ đồng trong năm 2025.
Tại làng rau Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), du lịch cộng đồng sẽ xoay quanh nông nghiệp sạch – nông sản hữu cơ – văn hóa làng nghề. Mục tiêu là hình thành mô hình du lịch sinh thái – nông nghiệp đặc trưng, đón khoảng 10.000 lượt khách trong năm 2025, phát triển 2-3 homestay và mở rộng kênh tiêu thụ rau củ quả địa phương.
Tại làng K3 (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) – một trong những bản làng của đồng bào Ba Na, du lịch cộng đồng sẽ phát triển theo hướng nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa – lễ hội dân tộc thiểu số.
Năm 2025, điểm đến này đặt mục tiêu đón 36.000 lượt khách, doanh thu đạt 7 tỉ đồng, hình thành 6-8 cơ sở lưu trú, homestay vận hành bởi người dân bản địa.
Không chỉ tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, Bình Định còn đặt mục tiêu đến năm 2030, mỗi địa phương trong tỉnh sẽ xây dựng ít nhất một mô hình du lịch cộng đồng mang nét riêng, có khả năng kết nối vào chuỗi du lịch chung và nhân rộng ra toàn vùng.
Theo Báo Lao Động