Từ kết quả tích cực của toàn ngành trong quý I/2025, du lịch Việt đang đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá, kích cầu nhằm kéo khách quốc tế đến, tạo cơ hội bứt phá và nâng cao vị thế.
Theo báo cáo từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong tháng 3/2025, Việt Nam đã đón trên 2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước. Con số tích lũy trong quý I/2025 đạt trên 6 triệu lượt khách – mức cao nhất theo quý kể từ trước đến nay, đồng thời tăng 134% so với quý I/2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Kết quả này tiếp nối đà hồi phục ấn tượng của ngành du lịch khi trong năm 2024 đã phục hồi 98% lượng khách quốc tế so với năm 2019.
Du khách Trung Quốc dẫn đầu
Trung Quốc tiếp tục là thị trường dẫn đầu với 1,58 triệu lượt khách, tăng mạnh 78,3% so với cùng kỳ năm 2024. Hàn Quốc xếp thứ hai với 1,26 triệu lượt khách, tăng 2,2%. Hai thị trường này chiếm tới 47% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong ba tháng đầu năm.

Các thị trường tiếp theo lần lượt là Đài Loan (Trung Quốc), 331 nghìn lượt, tăng 10,2%), Mỹ (259 nghìn lượt, tăng 11,3%), Campuchia (234 nghìn lượt, tăng 105,6%), Nhật Bản (226 nghìn lượt, tăng 26,3%), Úc (147 nghìn lượt, tăng 11,0%), Ấn Độ (143 nghìn lượt, tăng 23,3%), Malaysia (141 nghìn lượt), và Nga (125 nghìn lượt, tăng 110,5%).
Ngoài các thị trường lớn truyền thống, khu vực Đông Nam Á ghi nhận mức tăng trưởng khả quan. Trong đó, lượng khách từ Campuchia tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ, Philippines tăng gần 95,1%, Lào tăng 52,7%, Indonesia tăng 6,9%, và Thái Lan tăng 4,7%. Thị trường châu Âu tiếp tục tăng trưởng hai con số, đặc biệt tại các quốc gia đang được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương của Việt Nam như Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy. Đáng chú ý, lượng khách từ Ý tăng 29%, Pháp tăng 28,3%, Đức tăng 23,3%, và Thụy Điển tăng 18,7%. Thị trường Nga từng suy giảm mạnh do ảnh hưởng địa chính trị đang phục hồi mạnh mẽ với mức tăng hơn 110%.
Một trong những yếu tố góp phần vào tăng trưởng khách quốc tế trong quý I là việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, trong đó miễn visa ngắn hạn cho công dân Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sỹ từ ngày 1/3 đến 31/12/2025, trong khuôn khổ Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025. Chỉ sau một tháng triển khai, lượng khách từ Ba Lan tăng 52,9% và từ Thụy Sỹ tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của chính sách visa trong việc mở rộng thị trường và thu hút khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày từ châu Âu.
Chính sách quảng bá mạnh mẽ
Tháng Ba vừa qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã ra mắt Chuyên trang kích cầu phát triển du lịch năm 2025 (tại đường link https://2025.vietnam.travel), nhằm cập nhật thông tin, chính sách về miễn thị thực đối với công dân Ba Lan, Séc và Thụy Sỹ theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP.
Trong đó cũng sẽ cập nhật danh sách các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế đăng ký tham gia đón khách theo Nghị quyết 11NQ-CP; cập nhật các chương trình khuyến mại, ưu đãi dịch vụ của các địa phương, doanh nghiệp dành cho du khách…
Đáng chú ý, để quảng bá du lịch Việt Nam ra quốc tế, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tăng cường cung cấp thông tin cho du khách quốc tế thông qua website https://vietnam.travel và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube… Nội dung tập trung quảng bá về chính sách mới của Chính phủ miễn thị thực cho 12 quốc gia từ 15/3/2025; giới thiệu các quán ăn Michelin tại Đà Nẵng; tour du lịch trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và lịch sử Hà Nội; giới thiệu các điểm đến du lịch nổi tiếng như Đảo ngọc Phú Quốc, lướt sóng tại Mũi Né, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Rang; giới thiệu 12 điểm tham quan tuyệt vời nhất tại Việt Nam theo đề xuất của The Times UK, các xu hướng du lịch nổi bật…

Về kế hoạch quảng bá du lịch nội địa, trang thông tin điện tử của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam https://vietnamtourism.gov.vn tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về những hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc diễn ra tại nhiều địa phương trong năm 2025 nhằm thu hút khách du lịch nội địa, nổi bật như: Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia Huế 2025; Khai mạc Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột; Festival Huế 2025; Khai mạc Ngày hội Tinh hoa Võ lần thứ 9 năm 2025; Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025; Lễ hội Ánh sáng “Thế giới cà phê – Bừng sáng Ban Mê;” Lễ hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk.
Bên cạnh đó là nhiều chương trình sôi động ở các địa phương như: Đà Nẵng Food Tour 2025; An Giang đón bằng công nhận của UNESCO và khai hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam; Lễ hội Putaleng huyện Tam Đường năm 2025 (Lai Châu); Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2025 (Thanh Hóa); Lễ hội Hoa Anh đào – Kỳ Thượng năm 2025 (Quảng Ninh); Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai năm 2025 (Hà Giang); Lễ hội Thành Bản Phủ tưởng nhớ Tướng quân Hoàng Công Chất; Khai mạc không gian văn hóa vùng cao – trưng bày, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch; Khai mạc Lễ hội Hoa Ban Điện Biên 2025.
Với đà tăng trưởng ấn tượng đầu năm, ngành du lịch Việt Nam đang hướng đến mục tiêu đón từ 22 triệu đến 23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai đồng bộ các giải pháp từ xúc tiến quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ đến đổi mới sản phẩm và gia tăng sức hút của điểm đến. Chương trình kích cầu phát triển du lịch 2025 được xem là trọng tâm nhằm giữ vững đà phục hồi và tạo bước bứt phá trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp