Về Nghĩa Đô – nơi đồng bào Tày sinh sống, du khách sẽ thực sự ấn tượng bởi bữa cơm thường nhật toàn đặc sản.
Xã Nghĩa Đô là nơi sinh sống của đồng bào Tày ở Lào Cai. Bên dòng Nặm Luông thơ mộng, trong đời sống sinh hoạt, sản xuất, người dân nơi đây có văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc và vùng miền, từ văn hóa ẩm thực đến nghề thủ công truyền thống.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa thẩm định, ghi danh 2 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Lào Cai vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; trong đó có loại hình di sản thuộc nhóm ẩm thực đầu tiên của Lào Cai là “Tri thức dân gian chế biến cá nướng, vịt bầu lam và rượu men lá của người Tày xã Nghĩa Đô”.
Theo ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, ẩm thực ở Nghĩa Đô được đánh giá cao bởi sự độc đáo đến từ nguyên liệu, quy trình, cách thức làm ra món ăn, nguyên tắc khi thưởng thức trên mâm…
Các món ăn ở Nghĩa Đô được làm từ những thực phẩm của địa phương như vịt bầu lam phải là loại vịt bầu cổ xanh có đặc điểm cổ rụt, thân hình bầu bĩnh, đầu to, chân ngắn. Loại vịt này cho chất lượng thịt thơm, ngon chỉ có ở Nghĩa Đô.


Dù chỉ là món ăn dân dã hàng ngày, vịt bầu lam vẫn tuân theo triết lý âm dương, ngũ hành trong nghệ thuật ẩm thực. Sau khi dùng dao lọc thịt, chặt miếng (Kim), đồ ăn được nấu trong ống tre (Mộc) với thứ nước trong chính ống tre hoặc từ nước suối nguồn (Thủy), bằng ngọn lửa nhỏ (Hỏa), trên mặt đất nơi núi rừng hoang dã (Thổ). Ngoài ra, thịt vịt sẽ trộn cùng các loại gia vị, rau thơm, ướp khoảng 15-20 phút cho thịt ngấm đều gia vị.
Khi đưa gói thịt vịt vào ống lam, người chế biến sẽ dùng lá dong bịt kín đầu ống lam rồi cho lên bếp. Ngoài ra, để món ăn thêm đậm đà, đồng bào Tày Nghĩa Đô khéo léo sử dụng kết hợp các loại gia vị địa phương cùng với thịt vịt như hạt dổi, mắc khén, lá hẹ, các loại rau thơm trong vườn nhà, gừng, xả, ớt… Vịt lam được nướng trong khoảng từ 30-40 phút là chín và có thể mang ra thưởng thức.
Tiếp đó là món cá nướng hai lửa là món ngon khó quên trong mâm cơm của đồng bào Tày. Để có những mẻ cá nướng thơm ngon, đồng bào Tày xã Nghĩa Đô thường chọn nguyên liệu là cá tự nhiên từ sông, suối, ao.
Đó là các loại cá chép, cá trôi, cá trắm với trọng lượng từ 1,5 kg trở lên. Khi bắt về, cá được mổ, làm sạch vảy, xẻ đôi mình rồi thái ngang thớ tạo ra những miếng dày chừng 5-7 cm, dài chừng 15-20 cm.


Sau khi cắt khúc, cá để ráo nước, sau đó mới trộn gia vị. Gia vị để ướp cá gồm hạt mắc khén, hạt dổi, muối, lá gừng, củ sả, các loại lá rau thơm trong vườn nhà. Tất cả được giã nhuyễn rồi ướp với miếng cá chừng 20 phút cho gia vị ngấm đều. Dùng que tre nhỏ, vót nhọn một đầu xiên dọc miếng cá để tạo bề mặt thẳng cho miếng cá. Sau đó dùng nẹp tre kẹp các xiên cá thành một kẹp cá lớn để nướng.
Điểm khác biệt ở món ăn này so với các món cá nướng khác là nướng hai lần lửa. Lần thứ nhất, các kẹp cá được ghé hong cạnh bếp lửa, không quá gần, không quá nhiều than. Lần nướng thứ hai sẽ quyết định độ chín, thơm ngon của cá vì lần này cá sẽ được nướng gần bữa ăn.

Mâm cơm hàng ngày của đồng bào Tày luôn hấp dẫn, độc đáo và nhiều màu sắc, thể hiện nét văn hóa truyền thống như xôi ngũ sắc, cá nướng hai lửa, vịt hấp, vịt xào, canh đắng…
Đặc biệt, mỗi mùa, mâm cơm của người Tày sẽ có thêm những món ăn độc đáo riêng. Vì thế, để thưởng thức trọn vẹn các món ẩm thực hấp dẫn khác của đồng bào nơi đây, du khách sẽ phải nhiều lần ghé thăm.
Lào Cai hiện có 56 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 3 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa phi vật thể.
Hiện toàn tỉnh đang tích cực bảo tồn, vun đắp, phát huy các giá trị văn hóa, biến di sản thành tài sản giúp đồng bào các dân tộc thoát nghèo.
Tại Nghĩa Đô, trong năm 2024, lượng khách đạt 25.000 lượt, doanh thu từ du lịch cộng đồng khoảng 15 tỉ đồng. Khách quốc tế cũng bắt đầu tìm hiểu đời sống người Tày để “chạm” vào vùng đất bản sắc nguyên sơ, chân thật.
Theo Báo Lao Động