Những chứng chỉ xanh là nỗ lực ban đầu để làm du lịch vì môi trường, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi khai thác điểm đến và thu hút du khách.
Tấm vé thông hành cho du lịch bền vững
Chứng nhận Du lịch Xanh VITA GREEN là một nhãn hiệu do Hiệp hội Du lịch Việt Nam xây dựng và triển khai, dựa trên bộ tiêu chí đánh giá toàn diện trên 4 lĩnh vực chính: Điểm đến du lịch, Cơ sở lưu trú du lịch, Doanh nghiệp lữ hành và Cơ sở ăn uống phục vụ khách du lịch.
Theo ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Du lịch xanh Việt Nam, bộ tiêu chí này được xây dựng dựa trên thực tiễn và sẽ là định hướng cho quá trình chuyển đổi xanh của ngành du lịch.
Bộ tiêu chí Du lịch xanh được xây dựng dựa trên các trụ cột chính: môi trường, văn hóa, cộng đồng và giáo dục. Các tiêu chí này được phân thành ba cấp độ: tiêu chuẩn, nâng cao và xuất sắc, tạo điều kiện cho các đơn vị từng bước tiếp cận và đạt được các mục tiêu xanh một cách linh hoạt.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Đính – Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch (Hiệp hội du lịch Việt Nam), chứng nhận này là bước đầu trong hành trình các địa phương doanh nghiệp làm du lịch vì môi trường. Việc được chứng nhận xanh cũng sẽ là lợi thế cạnh tranh cho chính các doanh nghiệp trong việc tiếp cận du khách.
Đồng thời, GS.TS Nguyễn Văn Đính đề xuất thêm loạt giải pháp cho các doanh nghiệp như: Sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; phát triển du lịch gần gũi thiên nhiên, giảm du lịch hàng không dài ngày; hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần trong khách sạn, nhà hàng; tiết kiệm nước, điện và sử dụng năng lượng tái tạo trong cơ sở lưu trú; bảo vệ hệ sinh thái, không khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên…

Từ doanh nghiệp tới mỗi du khách
Không chỉ từ các doanh nghiệp, những sự thay đổi trong cách đi du lịch của du khách cũng góp phần xanh hóa ngành công nghiệp không khói này.
Ông Phạm Hà – Chủ tịch LuxGroup – cho biết, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh truyền thông tới du khách về việc giữ gìn môi trường, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa trong chuyến đi…
Các tour du lịch của công ty hiện đã triển khai thu khoảng 1,5 USD/người làm phí bảo vệ môi trường, dùng cho các hoạt động trồng rừng, làm sạch nơi du khách đi qua. Như tại Hà Giang, khoản này được đầu tư vào đèn năng lượng mặt trời, bình nước công cộng… để phục vụ chính các du khách đã trải nghiệm tour.
Điều này được đa số các du khách ủng hộ, có du khách đã quay lại với công ty nhiều lần vì chính những hành động bảo vệ môi trường.
“Chuyển đổi xanh không chỉ bảo vệ cảnh quan thiên nhiên mà còn trực tiếp đem lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp làm du lịch bền vững” – Ông Phạm Hà khẳng định.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đánh giá vẫn tồn tại một số khó khăn trong việc xây dựng điểm đến du lịch xanh. Tràng An (Ninh Bình) hiện là một điểm đến được đánh giá cao trong quá trình thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa.
Bà Hoàng Thị Thu Hường, Giám đốc phát triển thị trường Ban quản lý khu du lịch sinh thái Tràng An cho biết, để giữ được sự xanh đó, Tràng An có một đội ngũ vớt rác bất kể sáng, trưa, chiều tối cùng sự giúp đỡ từ 2.000 lái đò liên tục vớt rác trong hành trình di chuyển.
“Dù đã tuyên truyền, lượng rác chúng tôi thu được vẫn rất lớn. Tôi cho rằng phát triển điểm đến xanh không phải chỉ là trách nhiệm của đơn vị quản lý điểm đến hay du khách mà còn là sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp làm du lịch kể cả lữ hành, du thuyền hay lưu trú. Các doanh nghiệp nên cùng lưu tâm tới môi trường, cùng với cộng đồng bảo vệ điểm đến thay vì chỉ khai thác điểm đến” – bà Hường cho biết thêm.
Theo Báo Lao Động