Dạo một vòng phố xá Thủ đô, thực khách dễ dàng tìm thấy các hàng phở. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những quán phở gia truyền chính gốc.

Phở Tư Lùn
Phở Tư Lùn là một trong những quán phở lâu đời nhất ở Hà Nội, với lịch sử hơn 80 năm.
Quán được truyền qua 4 thế hệ trong gia đình. Bà Ngô Thị Phi Nga, cháu nội của ông Tư Lùn, hiện là chủ quán tại số 34 phố Ấu Triệu.
Bà Phi Nga tiết lộ công thức phở hiện tại không giữ hương vị quá đậm đà như phiên bản gốc từ thời ông bà nội đứng bếp. Tuy nhiên, phở Tư Lùn vẫn giữ trọn vẹn linh hồn của phiên bản phở người Hà Nội yêu thích ở quán suốt hàng chục năm qua.
Nước dùng của quán nổi tiếng với độ béo ngậy và đậm đà, khác biệt so với nhiều quán phở khác ở Hà Nội. Quán có ba cơ sở, quán gốc ở 23C Hai Bà Trưng, còn lại là tại 34 Ấu Triệu và 124 Thụy Khuê.

Phở cụ Chiêu
Phở cụ Chiêu là một quán phở gia truyền bốn đời, với lịch sử hơn 40 năm.
Cụ Chiêu vốn xuất thân từ làng Vân Cù, Nam Định. Quán phở gia truyền này nổi tiếng với việc không sử dụng chanh hay quất trong phở. Nước dùng không có hồi, quế, bạch đậu khấu… mà chỉ ninh từ xương và thịt bò.
Ông Cồ Như Việt, con trai của cụ Chiêu, đang quản lý quán ở Hàng Đồng và giữ nguyên công thức gia truyền từ đời trước. Hiện gia đình có hai quán ở 49 Bát Đàn và 48 Hàng Đồng.
Phở Thìn Bờ Hồ
Phở Thìn Bờ Hồ là một trong những quán phở nổi tiếng và lâu đời nhất ở Hà Nội, được thành lập từ năm 1955. Quán phở 70 năm này luôn giữ phong cách truyền thống và chất lượng qua hàng thập kỷ, trở thành một biểu tượng ẩm thực của Hà Nội.

Trong tác phẩm “Chuyện cũ Hà Nội”, nhà văn Tô Hoài có viết: “Phở Thìn Bờ Hồ đã được tiếng trước nhất vì giữa những khi Mỹ ném bom trung tâm thành phố, khắp Hà Nội chỉ có mỗi quán ông Thìn bán đến khuya. Ở đâu ai thèm phở đều phải vượt còi báo động đến, ông Thìn vẫn điềm nhiên tay bốc bánh, miệng pha trò những câu thơ ví von hóm hỉnh”.
Phở của quán có nước dùng trong, vị thanh, không gây mùi mỡ bò. Quán gốc nằm tại số 61 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, đối diện Hồ Gươm. Quán còn có các cơ sở trên phố Hàng Tre, Lê Văn Hưu và Kim Mã.
Phở Sướng
Phở Sướng ban đầu là một gánh phở tại Hà Nội từ những năm 1930, chưa có tên gọi như bây giờ. Khi ấy cụ Nguyễn Văn Tỵ bắt đầu bán phở tại một gánh hàng rong nhỏ ở Hà Nội. Ban đầu, gánh phở của cụ chưa được nhiều người biết đến, nhưng nhờ hương vị đặc trưng và chất lượng, phở Sướng dần trở nên nổi tiếng.
Trong giai đoạn chiến tranh năm 1954, cụ Tỵ tạm ngừng bán phở và chuyển về Nam Định sinh sống. Sau khi chiến tranh kết thúc, các con của cụ đã nối nghiệp cha, mở lại quán phở tại Hà Nội và tiếp tục phát triển thương hiệu này.

Đến thập niên 1980, quán phở Sướng đã trở thành một địa chỉ quen thuộc và được nhiều người biết đến. Quán phở gia truyền ba đời này hiện có ba cơ sở, nổi tiếng nhất là số 24B Ngõ Trung Yên, hai địa chỉ còn lại ở ngõ 26 Nguyên Hồng và 36B Mai Hắc Đế.
Phở Đức Khôi
Quán phở Đức Khôi trên đường Phùng Hưng (Hoàn Kiếm) nổi tiếng nhờ ông chủ kỹ tính. Khách hàng yêu thích sự cầu kỳ, chuẩn mực của ông từ miếng thịt thái mỏng, nước dùng vừa vặn, đến cách trình bày bát phở đẹp mắt.
Quán phở này có nguồn gốc từ cụ thân sinh của nhà phở Sướng nổi tiếng ở Hà Nội, nhưng không lấy thương hiệu phở Sướng. Suốt gần 30 năm, ông chủ kỹ tính theo công thức truyền thống, nước dùng chỉ thêm gừng và hành nướng pha cùng nước mắm ngon, không thêm hồi, quế để tránh mùi nặng và ngả màu.
Bát phở ở đây có hương vị đậm đà, nước dùng ngọt thanh, bánh phở dẻo, thịt bò mềm. Thịt bò được chọn lọc kỹ, đặc biệt là thịt tái, phải là những miếng thịt tươi, thái ra vẫn dẻo dính tay. Tuy nhiên, không gian quán khá chật hẹp và chỗ ngồi hạn chế.
Theo Báo Lao Động