Phở atiso, sườn non, vịt tỳ bà là những món gây tò mò cho thực khách tại Festival Phở Hà Nội 2025 diễn ra ở Hoàng Thành Thăng Long.
Festival Phở 2025 diễn ra từ 18 đến 20/4 tại Hoàng thành Thăng Long, quy tụ các gian hàng của nhiều nhà hàng. Du khách tham gia được trải nghiệm các món phở đặc trưng các vùng miền. Ảnh: Minh Duy
Tại Festival, các gian hàng đều áp dụng mức giá chung 40.000 đồng một bát. Ngoài các thương hiệu phở nổi tiếng, chủ yếu ở miền Bắc, như phở Tư Lùn, Thìn Bờ Hồ, Gánh, Nam Định, chua Tây Bắc còn có nhiều món phở thu hút sự quan tâm của thực khách vì nét mới lạ.

Phở atiso từ Đà Lạt là một trong những quầy hàng gây tò mò. Đa phần khách tới đây đều ấn tượng với sợi phở có màu hồng đặc trưng từ hoa atiso.
Chị Hoài Khanh, điều hành chuỗi phở atiso có trụ sở chính ở Đà Lạt và hai cửa hàng ở TP HCM, cho hay người sáng lập món ăn này là Trường Minh, sinh năm 2002. Lấy cảm hứng từ món canh atiso hầm thường ăn ngày bé, Minh đã kết hợp với món phở truyền thống của Việt Nam để tạo ra phở atiso.

“Khách du lịch thường biết đến bông hoa atiso, nhưng ít người biết đến phần thân của bông hoa này. Người Đà Lạt thường dùng phần thân để hầm canh và đây là ý tưởng để tạo ra phần nước dùng của phở atiso”, Khanh cho hay.
Bánh phở truyền thống, có thêm chiết suất từ hoa atiso đỏ. Ngoài ra, những thành phần không thể thiếu làm nên hương vị phở gồm quế, hồi, thảo quả, đinh lăng, hành, gừng.

Thịt bò là thành phần chính gồm thịt tái, nạm, gân và sườn. Bát phở được chan nước dùng thật nóng, thêm các loại rau gia vị, chanh, ớt và thưởng thức ngay.
Chị Thúy Hạnh, Hà Nội, đến Festival cùng bạn nhận xét: “Phở atiso đặc biệt nhất phần nước dùng, ngọn và thanh, ăn rất cuốn, tuy nhiên hơi đậm vị. Bánh phở giòn và có vị thơm nhẹ”.

Phở vịt tỳ bà với tên gọi độc đáo cũng thu hút nhiều thực khách xếp hàng thưởng thức. Đây là món ăn được sáng tạo bởi các thành viên thuộc Hiệp hội đầu bếp Hoàng Gia Việt Nam.

Đầu bếp Dương Văn Hùng cho hay phở có tên “Vịt tỳ bà” vì sử dụng thịt của những con vịt đã được rút xương, tạo hình giống như đàn tỳ bà, tẩm ướp các loại gia vị thảo mộc rồi hong khô và đem nướng.
Nước dùng của phở đều từ xương, ăn kèm rau húng và thích hợp với thời tiết mát mẻ.

Phở sườn nhừ là quầy hàng hết sớm trong buổi trưa 19/4. Nhiều thực khách đến quầy gọi món đều được hẹn sau một tiếng vì “quầy chuẩn bị nguyên liệu và nước dùng mới”.
Chị Thanh Hằng, phụ trách marketing của Phở Inn sở hữu phở sườn nhừ, cho biết nhóm của chị đã chế biến món ăn này với mong muốn phát triển phở bò truyền thống, làm đa dạng phở Việt.

Phở sườn nhừ dùng phần sườn của con bò, hầm lâu để tiết được vị ngọt. ”Nước dùng khi phục vụ thực khách có độ ngọt vừa phải từ xương tủy”, chị Hằng nói. Nhờ có công thức riêng, phần nước dùng vẫn thơm mùi quế hồi nhưng không bị gắt, cũng không đậm mùi nước mắm.

Phần thịt sườn ăn cùng phở gồm xương và sườn đã tách xương. Với sườn chưa tách xương, “thực khách chỉ kéo nhẹ phần xương, phần thịt tách ra dễ dàng”. Ngoài sườn, thực khách còn có thể chọn thêm thịt bò tái, bò viên. Ảnh: Thanh Hằng

Một số thực khách đến Festival sáng 19/4 bày tỏ thích thú vị được biết và thử nhiều món phở vùng miền. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho hay chưa thưởng thức được trọn vẹn vì trời quá nóng, thiếu quạt ở các gian hàng. Thực khách Trung Anh, Hà Nội, cho rằng “ăn phở bằng bát giấy cũng khiến món ăn giảm độ ngon”.
Festival Phở mở cửa từ 9h đến 22h. Ngoài các gian hàng phở, còn có nhiều đồ ăn và thức uống của các địa phương. Điểm nhấn của sự kiện còn là việc ứng dụng công nghệ AI – Chatbot nhằm nâng cao trải nghiệm người tham dự. Chatbot được bố trí tại quầy thông tin, hỗ trợ khách tra cứu gian hàng, tìm món phở phù hợp.
Theo VNE