Dinh Độc Lập không chỉ mang vẻ đẹp kiến trúc mà còn là biểu tượng của nền hòa bình, thống nhất, là điểm tham quan hút khách bậc nhất ở TP HCM mỗi dịp 30/4.
Dinh Độc Lập hay Hội trường Thống Nhất nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, mặt chính hướng ra đại lộ Lê Duẩn. Năm 1976, Dinh được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Công trình được khởi công ngày 1/7/1962 theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ – người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi nguyên La Mã. Tổng thể dinh có hình chữ “Cát”, tượng trưng cho sự tốt lành, may mắn. Kiến trúc nổi bật với bức rèm hoa đá mô phỏng các đốt trúc thanh thoát bao quanh tầng hai. Bên trong, các đường nét thiết kế chủ yếu theo dạng thẳng, gãy gọn, thể hiện tinh thần kỷ luật và trang nghiêm.
Dinh có diện tích sàn 20.000 m2, xây trên khuôn viên rộng 4.500 m2, cao 26 m, gồm tầng trệt, hai tầng lửng, hai tầng hầm và sân trực thăng trên mái. Hơn 100 phòng chức năng được thiết kế theo phong cách riêng biệt, gồm phòng khánh tiết, phòng họp hội đồng nội các, phòng làm việc của Tổng thống và Phó tổng thống, phòng trình quốc thư, đại yến. Ảnh: Quỳnh Trần

Phòng trình quốc thư là nơi đại sứ các nước từng đến trình ủy nhiệm thư lên Tổng thống Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975.
Nội thất căn phòng do họa sĩ Nguyễn Văn Minh thiết kế, sử dụng kỹ thuật sơn mài làm chủ đạo theo phong cách Nhật Bản. Điểm nhấn là bức tranh “Bình Ngô đại cáo” gồm 40 mảnh ghép, tái hiện khung cảnh thanh bình của người Việt ở thế kỷ XV, với hình ảnh vua Lê Lợi tuyên bố chiến thắng quân Minh ở vị trí trung tâm. Hai bên tường là tám ngọn đuốc tượng trưng, được thắp sáng trong các nghi lễ ngoại giao quan trọng.
Ngày 18/4/1975, nơi đây diễn ra buổi trình quốc thư cuối cùng khi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu tiếp đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản Hiroshi Hitomi.
Bấm để lật ảnh sau/trước

Nằm ở tầng hai của Dinh, khu vực tiếp khách của Tổng thống gồm hai phòng thông nhau. Trong phòng đầu tiên, ghế của Tổng thống được đặt cao hơn các ghế còn lại, phía sau là tấm gỗ lớn tượng trưng cho quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa. Phòng kế bên có cách bài trí đơn giản hơn, điểm nhấn là hai tủ sơn mài họa tiết “mai, lan, cúc, trúc” đặt hai bên.
Phòng tiếp khách của Phó tổng thống (ảnh sau) mang tông vàng chủ đạo, thể hiện qua rèm cửa, bàn ghế. Trong phòng treo hai bức tranh sơn mài: một vẽ Khuê Văn Các (Văn Miếu, Hà Nội), bức còn lại tái hiện cảnh vua Trần Nhân Tông dạo chơi (thế kỷ XIII).

Phòng đại yến là nơi tổ chức các buổi chiêu đãi với sức chứa hơn 100 khách. Không gian sử dụng gam vàng ấm làm chủ đạo, tạo cảm giác trang trọng và thân mật. Tại vị trí trung tâm treo bức tranh “Non sông gấm vóc, cỏ cây thái bình” do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ sáng tác và gửi tặng.
Tối 1/3/1975, nơi đây diễn ra tiệc chiêu đãi cuối cùng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu dành cho phái đoàn Mỹ.

Các ô cửa kính lớn nằm giữa các dãy hành lang giúp lấy sáng cho toàn bộ toà nhà. Đây cũng là góc check in được nhiều bạn trẻ yêu thích khi tham quan Dinh.
Dương Thị Đào, 22 tuổi, sinh viên Đại học An ninh nhân dân, cùng bạn đến từ sớm để xếp hàng mua vé vào tham quan Dinh Độc Lập sáng 17/4. Theo Đào, dù lượng khách đông, ai cũng háo hức khi được đến thăm địa danh lịch sử trong dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
“Dinh Độc Lập là nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của dân tộc. Em đến đây để chụp hình lưu giữ kỷ niệm và chia sẻ với người thân”, Đào nói

Tầng hầm là một trong những khu vực thu hút sự tò mò của nhiều du khách khi tham quan Dinh Độc Lập. Công trình do kỹ sư Phan Văn Điền thiết kế, được xây dựng kiên cố với chiều dài 72,5 m, rộng từ 0,8 đến 22,5 m và sâu từ 0,6 đến 2,5 m. Các phòng trong hầm nối với nhau bằng lối đi nhỏ, đúc bêtông, tường bọc thép dày 5 mm và có hệ thống thông gió riêng.
Khu vực 1 là trung tâm điều hành, gồm phòng làm việc của ban tham mưu, đài phát thanh, tổng đài điện thoại, phòng giải mã và truyền tin. Toàn bộ thiết bị do chính phủ Mỹ viện trợ trong thập niên 1960.
Khu vực 2 (ảnh sau) nằm ở độ sâu 2,5 m, có tường bêtông dày 1,6 m, chịu được sức công phá của bom nặng tới 2.000 kg. Trong tình huống khẩn cấp, Tổng thống có thể di chuyển xuống đây qua thang bộ nối trực tiếp từ phòng làm việc ở tầng hai. Hiện khu vực này chưa mở cửa cho khách tham quan.

Phòng trực chiến của Tổng thống được bố trí tại tầng hầm thứ nhất, là nơi nắm bắt tình hình chiến sự và đưa ra các mệnh lệnh trong những thời khắc căng thẳng nhất. Căn phòng nhỏ nhưng kiên cố, tường dày, được trang bị hệ thống thông tin liên lạc hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ do Mỹ viện trợ. Bên trong có bàn làm việc, bản đồ quân sự, điện thoại mã hóa và các thiết bị truyền tin, cho phép Tổng thống điều hành từ xa khi tình hình trên mặt đất không còn an toàn. Đây được xem là “bộ não dự phòng” của Dinh trong những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.

Theo lối ra khỏi tầng hầm, du khách sẽ thấy chiếc xe Jeep M151A2 – phương tiện từng chở Tổng thống Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975. Tại đây, ông đã đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chính thức chấm dứt chính quyền Sài Gòn và mở ra thời khắc thống nhất đất nước.

Sau khi tham quan toàn bộ Dinh, du khách có thể lên tầng thượng để chiêm ngưỡng chiếc máy bay F-5E – hiện vật gắn liền với mốc sự kiện góp phần đi đến thắng lợi vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Ngày 8/4/1975, phi công Nguyễn Thành Trung điều khiển chiếc F-5E xuất phát từ Biên Hòa, ném bom xuống Dinh Độc Lập. Vụ tấn công chỉ gây hư hại nhẹ, trong đó một quả bom rơi trúng mục tiêu trên mái nhưng chỉ phát nổ phần đầu, gây sụt lún một phần diện tích mái.
Dấu vết của vụ ném bom được ban quản lý di tích giữ nguyên và đánh dấu để du khách có thể hình dung rõ hơn về sự kiện.

Điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến Dinh, ở lối ra bên trái, là hai chiếc xe tăng mang số hiệu 843 và 390. Hình ảnh hai chiếc tăng húc đổ cổng chính và cổng phụ Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 trở thành biểu tượng lịch sử của dân tộc, khép lại Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, mở ra giai đoạn thống nhất đất nước.

Dinh Độc Lập ngày nay là điểm tham quan không thể bỏ lỡ ở TP HCM, đặc biệt trong những dịp lễ lớn. Dinh mở cửa tất cả các ngày trong tuần và lễ, Tết, trừ một số trường hợp đặc biệt có tổ chức sự kiện. Giờ bán vé từ 8h đến 15h30 và giờ tham quan từ 8h đến 16h30.
Có hai loại vé với mức giá là 40.000 đồng chỉ tham quan Dinh, không tham quan phòng trưng bày “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 – 1966” và 65.000 đồng được tham quan cả Dinh và phòng trưng bày. Nếu lần đầu đến Dinh, du khách nên trải nghiệm cả tham quan phòng trưng bày để hiểu thêm về lịch sử. Ảnh: Cao Kỳ Nhân
Theo VNE